Núi Động Tranh nằm trong dãy núi Đại Huệ thuộc xã Nam Giang, huyện Nam Đàn, nghệ An. Nơi có các phần mộ những người thân trong gia đình Bác Hồ yên nghỉ, đó là phần mộ bà Hà Thị Hy (bà nội), phần mộ cậu Nguyễn Sinh Xin (em trai), và phần mộ bà Hoàng Thị Loan (mẹ Bác). Nơi không riêng gì tôi mà những du khách thập phương khi có dịp tới đây đều cảm thấy lòng mình rất đỗi thanh thản, yên bình, dễ chịu giống như được trở về trong vòng tay mẹ thân yêu. Tâm hồn nhẹ nhàng, thư thái cảm tưởng như đang được ôm ấp, vỗ về, che chở bởi những cơn gió mát lành, mùi hương hoa ngọc lan toả ra thơm ngát, tiếng thông reo rì rào, tiếng chim hót líu lo và những tia nắng lấp lánh luồn qua kẽ lá.
Lễ giỗ Bà Hà Thị Hy được tổ chức hàng năm tại di tích cụ Nguyễn Sinh Nhậm, Khu di tích Kim Liên
Từ cổng chính dưới chân núi Động Tranh, men theo những bậc thang dài với dãy lan can hình những thân tre, quanh co, uốn lượn theo triền núi, khoảng 130 mét phía bên trái là phần mộ cụ Hà Thị Hy bà nội Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngôi mộ được hình thành vào những năm giữa thế kỷ XX. Theo gia phả dòng họ Hà ở thôn Mậu Tài, xã Kim Liên thì dòng họ Hà xưa là một dòng họ hiếu học. Bà Hà Thị Hy sinh năm Giáp ngọ (1834) là con gái đầu lòng của cụ Hà Văn Cẩn, một gia đình nông dân khá giả, hiếu học. Cha là một bậc huynh thứ trong làng, vừa là lão nông thực thụ, vừa là nghệ sỹ dân gian nổi tiếng, mẹ là người phụ nữ hiền lành, chăm chỉ, hết mực yêu thương chồng con ở thôn Mậu Tài, nay là xóm Mậu 2, xã Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An). Thuở nhỏ, bà là một người có tư chất thông minh được cha mẹ nuôi dưỡng và dạy dỗ chu đáo, lớn lên trở thành một cô gái giỏi giang, xinh đẹp, nết na. Bà rất thông thạo công việc đồng áng, dệt vải và nội trợ, giỏi chữ Hán, hát hay, múa đẹp nhất là múa đèn. Có tài, có sắc nhưng bà Hà Thị Hy tới ngoài 20 tuổi vẫn chưa xuất giá, mặc dù có nhiều người đã đánh tiếng dạm hỏi nhưng mãi đến năm 1861, lúc này bà Hà Thị Hy đã 27 tuổi, cái tuổi mà ở thời điểm ấy được xem là đã quá lứa thì như một mối lương duyên thiên định, bà đã nhận lời kết hôn với ông Nguyễn Sinh Nhậm (còn gọi là Nguyễn Sinh Vượng), người xóm Phú Đầm, làng Kim Liên. Ông là người phúc hậu, đường hoàng, chịu thương, chịu khó, sống cảnh gà trống nuôi con. Sau một năm hai ông bà sinh được người con trai đặt tên là Nguyễn Sinh Sắc (sau này là thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh). Cuộc sống hạnh phúc của họ chưa được bao lâu thì năm Ất sửu 1865 ông Nguyễn Sinh Nhậm bệnh nặng và qua đời khi cậu Sắc mới lên 3 tuổi. Chồng mất, con trai thì còn quá nhỏ, một mình bà gồng gánh, vừa lao động sản xuất trang trải cuộc sống vừa nuôi con nhỏ, bao nhiêu khó khăn, vất vả giờ đây một mình bà gánh vác, hy vọng sau này con trai lớn lên sẽ bớt vất vả được phần nào. Nhưng bà không ngờ được rằng căn bệnh hiểm nghèo đã đưa bà đoàn tụ với ông sớm vậy. Năm 1867 bà lâm bệnh nặng và qua đời khi mới tròn 33 tuổi. Anh em họ hàng và nhân dân trong làng đã đưa thi hài của bà an táng tại phần đất của gia đình ở xứ Cồn Thần, Đồng Sen, xã Chung Cự (nay là xã Kim Liên).
Năm 1942, sau nhiều năm bị tù đày và được trả tự do về quê sinh sống, ông Nguyễn Sinh Khiêm (anh trai Chủ tịch Hồ Chí Minh, cháu nội của bà Hà Thị Hy) với sự am hiểu sâu rộng về phong thủy, địa lý, thiên văn đã chọn được vị trí đẹp trên núi Động Tranh thuộc dãy Đại Huệ, xã Hữu Biệt, nay là xã Nam Giang) cùng với anh em dòng họ đưa hài cốt của bà nội và thân mẫu lên an nghỉ vĩnh hằng tại đây. Phần mộ được đắp bằng đất, phần trên đắp bằng đá núi, rất đơn sơ, nhưng ấm cúng. Chuẩn bị hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (cháu nội của bà), tháng 10 năm 1989, Khu di tích Kim Liên phối hợp với dòng họ đại tôn Nguyễn Sinh xây lại ngôi mộ tại vị trí cũ bằng gạch và bê tông khang trang hơn, thoáng mát hơn để tưởng nhớ công lao của bà. Đến năm 2010, nằm trong dự án bảo tồn, tôn tạo Khu di tích Kim Liên, mộ bà Hoàng Thị Loan thì phần mộ bà Hà Thị Hy cũng được tôn tạo hoàn chỉnh cho đến bây giờ. Mặt ngoài phần mộ bà được ốp bằng một lớp đá granit tự nhiên màu đỏ Ruby của tỉnh Bình Định, đỉnh mộ được khắc chạm hoa văn cách điệu có chữ Thọ ở chính giữa. Theo quan niệm dân gian đó là sự giao thoa giữa âm và dương, giữa trời và đất. Phía trước mộ có đặt một chiếc bàn thờ bằng đá và một lư hương, sáu cột quyết trước và sau mộ được gắn lên trên sáu búp sen bằng đá màu trắng. Trước phần mộ được mở rộng thành sân hình vòng cung thuận lợi cho du khách bãi ngưỡng, dâng hương, mặt sân và các bậc lên xuống được ốp, lát bằng đá xanh đen của tỉnh Thanh Hóa. Đường chính đi lên mộ gồm có 33 bậc tượng trưng cho 33 năm tuổi đời của bà. Xung quanh mộ rất nhiều các loài hoa đến mùa toả hương thơm ngát. Từ đó đến nay con cháu và du khách thập phương về dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ công lao của bà rất đông.
Tưởng niệm 155 năm ngày mất của bà 30/8/1867 – 30/8/2022. Cũng là dịp để chúng ta những con người đang được ngày ngày chăm sóc cho giấc ngủ ngàn thu của bà nguyện hứa sẽ nỗ lực tốt hơn phần việc của mình để công lao to lớn của bà được lan toả sâu rộng đến các thế hệ con cháu chúng ta. Để nơi đây không chỉ đơn thuần là một địa danh văn hoá thiêng liêng mà còn là một chứng nhân cho tình yêu thương, lòng biết ơn của con dân đất Việt giành cho người bà, người mẹ vĩ đại. Là nơi để cho đồng bào, du khách từ mọi miền tổ quốc trở về thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.
Phan Thị Hằng
Khu di tích Kim Liên