Giá trị nhân văn trong Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân

Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân (CAND) chứa đựng biết bao giá trị to lớn, trong đó nổi bật là giá trị nhân văn, mãi mãi trường tồn.

Bác Hồ truyền cảm hứng nhân văn cho cán bộ, chiến sĩ CAND không chỉ là lòng thương yêu, kính trọng, tin tưởng, khoan dung, độ lượng, biết đòi hỏi và phát huy bản thân, mà quan trọng hơn đó là một tinh thần nhân văn hành động cao cả, đáp ứng khát vọng cháy bỏng sâu xa của dân tộc là độc lập, tự do, hạnh phúc. Giá trị nhân văn trong sáu điều Bác Hồ dạy CAND có thể tiếp cận theo ba hệ giá trị: 1. Giá trị văn hóa và làm người; 2. Giá trị khoan dung; 3. Giá trị hành động thực tiễn.

sagucha

Quang cảnh Lễ kỷ niệm 75 năm Công an nhân dân học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy. Ảnh: TD

Giá trị văn hóa và làm người. Đây là giá trị nhân văn hàng đầu. Mỗi chiến sĩ công an phải biết tự hoàn thiện mình với ý nghĩa là một người nhân văn chủ nghĩa. Điều này liên quan tới phạm trù văn hóa. Hiểu ở góc độ nhân văn thuộc về văn hóa của con người, mỗi cán bộ, chiến sĩ công an tự mình phải Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Con người nói chung, người công an nói riêng phải có khả năng suy xét bản thân, tự thể hiện, tự ý thức, tự biết mình là một sản phẩm chưa hoàn thiện, tự soi, tự rèn, tự sửa, tu thân chính tâm để trở thành một người nhân bản, lý tính, có óc phê phán và dấn thân một cách đạo lý.

Để tìm tòi một ý nghĩa sáng tạo, mới mẻ, tạo nên một “công trình” mới vượt lên chính bản thân mình, cán bộ, chiến sĩ CAND phải luôn luôn tâm niệm rằng “tự mình”, “đối với mình” có ý nghĩa đột phá mở đường hết sức quan trọng và cần thiết. Với truyền thống anh hùng vẻ vang “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, để xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, CAND phải tự hoàn thiện, phấn đấu vươn lên. Cán bộ, chiến sĩ CAND phải siêng năng, chăm chỉ, cố gắng, dẻo dai, tiết kiệm, trong sạch, làm việc chính, thẳng thắn, đứng đắn thì mới được gọi là người nhân văn, người thiện. Mình làm việc tà, không nhân văn thì không thể nhân văn đối với người. Những người không Cần, không Kiệm, không Liêm, không Chính là không có tư cách làm người, thiếu nhân tính, tha hóa, có tội với đồng bào, với Tổ quốc.

Những lời dạy cán bộ, đảng viên tu dưỡng rèn luyện để có tư cách của một người cách mạng, Bác Hồ thường đặt “đối với tự mình” lên hàng đầu. Điều này hoàn toàn đúng lý, hợp thực tế. Tự mình lười biếng; hoang phí, xa xỉ, bừa bãi; bất liêm, làm những điều trái với chữ liêm, việc tà; tự mình không thắng được khuyết điểm của mình, không đánh thắng được lòng tà là kẻ thù trong mình; tự mình không cải tạo được mình để trở thành một con người “hoàn toàn” mà muốn cải tạo xã hội, muốn đánh thắng kẻ thù bên ngoài, muốn “trị quốc bình thiên hạ” thì thật là vô lý. Bác Hồ dẫn lời Khổng Tử “mình có đứng đắn, mới tề được gia, trị được quốc, bình được thiên hạ”.

Ở một góc nhìn hẹp, cô đọng, sâu sắc, giá trị nhân văn chính là vẻ đẹp của con người. Đây là cái đẹp của “trình độ người”, “chất người”, con người có tâm hồn, nhân cách, trí tuệ, khí phách, bản lĩnh, cách ứng xử. Thông qua thực hành Cần, Kiệm, Liêm, Chính, trong đó Cần, Kiệm, Liêm là gốc rễ của Chính là một cách để khẳng định giá trị nhân văn của con người. Một người phải Cần, Kiệm, Liêm, Chính mới là người hoàn toàn, vì thiếu một đức thì không thành người và “ai cũng tham lợi, thì nước sẽ nguy” (lời Mạnh Tử). Nhân lõi của “hoàn toàn” là văn hóa liêm chính, vì “người mà không liêm, không bằng súc vật” (lời Khổng Tử).

Giá trị khoan dung. Khoan dung chứa đựng lòng thương yêu, kính trọng, độ lượng, giúp đỡ người khác. Vấn đề cần nhận thức có hàm lượng khoa học là vì sao cán bộ, chiến sĩ CAND lại phải đặc biệt chú trọng lòng khoan dung, độ lương? Cội nguồn lịch sử Việt Nam và thế giới, chủ nghĩa Mác – Lênin, những giá trị phổ quát của nhân loại, đặc biệt chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh giúp ta phân tích, lý giải sự kính trọng, lễ phép đối với nhân dân một cách rõ ràng, cụ thể. Nói ngắn gọn, trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân, trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân. Nhân dân là người làm nên lịch sử. Kinh nghiệm trong nước và các nước tỏ rõ có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy cũng làm được. Không có thì việc gì làm cũng không xong, v.v..

CAND phải nhận thức sâu sắc rằng hàng triệu tai, mắt của nhân dân chăng thành những bức “thiên la địa võng” thì kẻ địch khó mà che giấu được. Lực lương CAND phải làm cho dân tin, dân yêu, dân phục, dân ủng hộ. Có dựa vào sáng kiến và lực lượng của nhân dân thì công an mới hoàn thành tốt được nhiệm vụ của mình. Bác Hồ dạy: “Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”. Công an lại phải hết lòng giúp đỡ, tổ chức, giáo dục, đoàn kết, quan tâm đời sống, phụng sự lợi ích nhân dân để được sự đồng lòng, ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân. Mà công an được lòng dân thì không sợ gì cả. Nếu không được lòng dân thì ta không thể làm tốt công tác.

Đối với đồng sự phải thân ái giúp đỡ. Đó không chỉ là câu chuyện về sức mạnh đoàn kết, tổ chức, kỷ luật, mà quan trọng hơn chính là tinh thần nhân văn cao cả của những người cùng mục tiêu lý tưởng độc lập, tự do, hạnh phúc; cùng làm việc, chiến đấu, cống hiến cho lợi quyền của Tổ quốc và nhân dân. Đồng sự là những người cùng làm việc, vào sinh ra tử, sướng khổ, no đói, vui buồn có nhau. Thân ái giúp đỡ là thương yêu nhau như anh em một nhà; cùng nhau vun bồi lương tri, xây dựng cái tốt, xây dựng khi thiếu, tái tạo khi mất; thức tỉnh, nâng đỡ đồng sự có lỗi lầm, khuyết điểm; chia vui, học hỏi nhau khi đồng sự có thành tích.

Giá trị hành động thực tiễn. Chủ nghĩa nhân văn hành động là chủ nghĩa nhân văn có ý nghĩa nhất, giá trị nhất trong toàn bộ hệ giá trị nhân văn cách mạng. Trên cơ sở trung thành, cán bộ, chiến sĩ CAND phải hành động cương quyết, triệt để, tận tụy vì lợi ích của nhân dân và Tổ quốc. Giá trị bao trùm, xuyên suốt, cao cả nhất, lớn lao nhất trong tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là cương quyết chống cái ác vì cái thiện; chống cái cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra cái mới mẻ, tốt tươi. Bác Hồ luôn đặt cuộc chiến đấu vì nhân phẩm và tự do lên trên mọi cuộc chiến đấu khác; trung thành, kiên trì, kiên quyết với mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người, đem lại cho các dân tộc bị chà đạp và mỗi con người một cuộc sống xứng đáng với cuộc sống làm người,

Bác Hồ truyền tư tưởng nhân văn hành động cho lớp lớp cán bộ, đảng viên qua các thời kỳ cách mạng. Người dạy CAND phải tuyệt đối trung thành với Chính phủ là trung thành với mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Lý tưởng và mục tiêu cách mạng đó tỏ rõ bản chất nhân văn cao cả của chế độ dân chủ cộng hòa, một chế độ mà bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn và lực lượng đều ở nơi dân. Sự trung thành tuyệt đối chứa đựng giá trị nhân văn cao cả, đồng thời là cơ sở để mỗi cán bộ, chiến sĩ công an hành động nhằm đạt được giá trị nhân văn đó bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả.

Cán bộ, chiến sĩ CAND phải tận tụy trong mọi công việc được giao. Có việc trong chiến tranh, có việc lúc hòa bình; có việc thấy rõ, có việc âm thầm nhưng rất quan trọng; có việc bí mật, có việc công khai; có việc gian khổ nhiều, có việc gian khổ ít, v.v.. Nhìn chung, công tác công an rất nhiều, rất quan trọng, rất khó, rất cần, rất nhiều nguy hiểm. Lực lượng CAND rất vĩ đại, là “thanh bảo kiếm sắc bén, lá chắn thép vững chắc”, chỗ dựa, niềm tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Càng vĩ đại bao nhiêu thì càng gian khổ bấy nhiêu. Vì vậy phải thường xuyên thật sẵn sàng để nhanh chóng làm tròn nhiệm vụ bất kỳ trong tình hình nào.

Công an là một bộ máy để thực hiện chuyên chính dân chủ nhân dân, bảo vệ nền chuyên chính nhân dân đối với các thế lực phản động; phải đánh địch thường xuyên là bọn phá hoại và các thế lực thù ngoài giặc trong. CAND là một vũ khí sắc bén để bảo vệ sự nghiệp xã hội chủ nghĩa, một chế độ xã hội tốt đẹp hoàn toàn mới, xưa nay chưa từng có trong lịch sử dân tộc ta. Kẻ địch ít nhưng rất nguy hiểm, nên phải cương quyết, khôn khéo. “Cương quyết” là ý chí, quyết tâm, không khoan nhượng trong trấn áp kẻ địch bên trong và kẻ địch bên ngoài theo cách “đánh địch phải đánh cho đúng, như “đánh rắn phải đánh dập đầu”. “Khôn khéo” là cách đánh, là phương pháp, là nghệ thuật đánh địch, đòi hỏi tính sáng tạo, mưu trí, linh hoạt của công an, chứa đựng trong đó hàm lương nhân văn cao cả “đánh kẻ chạy đi, không đánh kẻ chạy lại”. Bác Hồ dạy: “Phải hết sức cẩn thận và khôn khéo, nghiêm khắc với kẻ ngoan cố, đối với người thật sự cải tạo thì khoan hồng”. Chỉ biết cương quyết mà không khôn khéo thì dễ thất bại, nhất là khi thủ đoạn kẻ thù ngày càng tinh vi, nham hiểm, xảo quyệt. Chỉ có khôn khéo mà không cương quyết thì rất khó thắng địch vì kẻ thù rất ngoan cố, không bao giờ từ bỏ ý đồ xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng, tiêu diệt cách mạng, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa.

Vì một xã hội tốt đẹp, mỗi người phải tốt, nói đi đôi với làm, tu dưỡng, rèn luyện qua thực tiễn cách mạng. Xây dựng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là xây dựng một chế độ chứa đựng hệ giá trị nhân văn cao cả, tất cả do con người, vì con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện. Đó là mục tiêu, nhiệm vụ nặng nề, vẻ vang của toàn Đảng, toàn dân, toàn lực lượng vũ trang, cả hệ thống chính trị. Trên cơ sở tự hoàn thiện bản thân, cán bộ, chiến sĩ CAND phải trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, hành động quyết liệt, khôn khéo để xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, hùng cường, hạnh phúc, sải bước cùng thời đại, sánh vai với các cường quốc năm châu. Đó chính là giá trị nhân văn đích thực của CAND hiện nay dưới ánh sáng nhân văn Hồ Chí Minh.

PGS.TS Bùi Đình Phong

Theo Hochiminh.vn

Translate »
Liên hệ ngay với chúng tôi!
Xin chào! Hội nông dân huyện Củ Chi có thể giúp gì cho bạn ?
Gọi ngay cho chúng tôi!